Từ năm 1930 đến năm 1941, tuy hoạt động ở nước ngoài nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn chỉ đạo sát sao phong trào cách mạng trong nước. Tháng 6/1931, Người bị nhà cầm quyền Anh bắt giam ở Hồng Kông. Cuối năm 1932, Người được trả tự do, sau đó đến Liên Xô học tại trường Quốc tế Lênin.
Tháng 10/1938, Người rời Liên Xô đến Diên An (Trung Quốc) làm việc tại Bộ chỉ huy Bát lộ quân, sau đó bắt liên lạc với tổ chức Đảng, chuẩn bị về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam.
Ngày 28/1/1941, sau hơn 30 năm xa Tổ quốc, Nguyễn Ái Quốc trở về nước (tại cột mốc 108 thuộc xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng).
Từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị lần thứ VIII của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tại Khuổi Nặm (Pắc Bó, Cao Bằng). Hội nghị đã xác định đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, chỉ đạo thành lập Mặt trận Việt Minh, sáng lập Báo Việt Nam Độc lập, tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng, xây dựng căn cứ địa cách mạng.
Tháng 8/1942, lấy tên là Hồ Chí Minh, Người đại diện cho Mặt trận Việt Minh và Phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội Quốc tế chống xâm lược sang Trung Quốc bắt liên lạc với Đồng minh, cùng phối hợp hành động chống phát xít trên chiến trường Thái Bình Dương. Người bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam trong các nhà lao của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Trong thời gian bị giam giữ, Người viết cuốn Nhật ký trong tù. Tháng 9/1943, Người được thả tự do.
Tháng 9/1944, Hồ Chí Minh trở về căn cứ Cao Bằng. Tháng 12/1944, Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tháng 5/1945, Hồ Chí Minh từ Cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang). Tại đây theo đề nghị của Người, Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân đã họp quyết định Tổng khởi nghĩa. Đại hội Quốc dân đã bầu ra Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Tháng 8/1945, Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.
Ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Người đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử có giá trị to lớn, trong đó độc lập, tự do gắn với phương hướng phát triển lên chủ nghĩa xã hội là tư tưởng chính trị cốt lõi, vốn đã được Hồ Chí Minh phác thảo lần đầu trong cương lĩnh của Đảng năm 1930, nay trở thành hiện thực, đồng thời trở thành chân lý của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới của dân tộc ta.
Thắng lợi của cách mạng tháng Tám là thắng lợi vĩ đại của 15 năm đấu tranh liên tục của Đảng, là sự khảo nghiệm và thắng lợi đầu tiên tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam.
Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh | Bác Hồ đọc Bản Tuyên Ngôn Độc Lập | Quảng trường Ba Đình, Hà Nội |